
Bài Học Về Đa Dạng Hóa Sản Phẩm, Nguồn Cung Và Thị Trường Tiêu Thụ
Nguồn bài viết: https://stir-tea-coffee.com/features/vietnamese-coffee-a-lesson-in-portfolio-diversification/
Tác giả: Diana Jendoubi – 20 tháng 2, 2025

Sau khi tham gia tập huấn với Tiến sĩ Dr. Manuel Diaz về các kỹ thuật thu hoạch cải tiến, nông dân Đắk Lắk đã bắt đầu áp dụng phương pháp giữ cho quả cà phê chín trên cây muộn hơn. Nguồn ảnh: Diana Jendoubi
Theo Mordor Intelligence, Việt Nam đã sản xuất 30,5 triệu bao cà phê robusta trong niên vụ 2021/2022. Năm 2023, quy mô thị trường đạt 472,6 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên 706,1 triệu USD vào năm 2028 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,13%. Biểu đồ trích nguồn từ Mordor Intelligence.
Là một trong những thị trường cà phê năng động nhất toàn cầu, Việt Nam nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành cà phê Việt Nam thường xuyên áp dụng các chiến lược linh hoạt và sáng tạo, với phương châm “mọi thứ đều có thể.” Dù đối mặt với những thách thức như các quy định về không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, cải tiến chất lượng cà phê Robusta chất lượng cao, hay mở rộng thị trường cà phê hòa tan, Việt Nam đang nỗ lực tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị cà phê, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững và tối đa hóa lợi nhuận dài hạn.
Tăng trưởng vượt bậc: Từ 2 Đến 30 Triệu Bao Cà Phê
Đối mặt với một nền nông nghiệp mang tính đoàn thể đang suy yếu vào năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một loạt các cải cách kinh tế với tên gọi Đổi Mới (tức đổi mới, cải cách), đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ. Việt Nam bắt đầu chính sách mở cửa thu hút đầu tư từ nước ngoài cho một số mặt hàng chiến lược, trong đó có cà phê, và mời đến các chuyên gia từ Đông Đức cùng những quốc gia cộng sản khác để hỗ trợ cải tiến sản xuất cà phê.
Vào năm 1993, sản lượng cà phê Việt Nam đạt khoảng 2 triệu bao. Cùng thời điểm đó, Brazil gặp phải những đợt sương giá nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng cà phê Robusta, khiến giá cà phê tăng vọt. Kết quả là các nông dân cà phê ở Việt Nam bắt đầu thu được lợi nhuận nhiều hơn và từ đó chuyển sang chú trọng vào tăng sản lượng.
Từ năm 1993 đến 2001, Việt Nam đã tăng sản lượng cà phê từ 2 triệu bao mỗi năm lên 15 triệu bao. Theo báo cáo của Revista Envio, diện tích trồng cà phê đã mở rộng từ 155.000 ha lên 550.000 ha trong giai đoạn từ 1995 đến 2001.
Theo báo cáo, “Kể từ năm 1996, ước tính khoảng 400.000 người đã di cư đến Đắk Lắk [vùng trồng cà phê trọng điểm] và hưởng lợi từ làn sóng cà phê,”. “Hơn 120.000 ha đất nông nghiệp đã nhường chỗ cho các trang trại cà phê. Chính vì vậy mà cây cà phê giờ đây còn được gọi là ‘cây hái ra tiền đô’”
Lúc bấy giờ, Việt Nam đã vượt qua Colombia trở thành quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng đột ngột trong sản lượng cà phê đã tạo ra một tình trạng dư cung toàn cầu, khiến giá cà phê lao dốc.
“Giá cà phê robusta toàn cầu đã chạm đáy vào niên vụ 2001/2002,” ông Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐTV của Công ty Simexco Daklak, đã chia sẻ với STiR. “Cuộc khủng hoảng xảy ra ngay khi chúng tôi đạt được sản lượng 16 triệu bao. Đó cũng chính là lúc Việt Nam nhận ra rằng khối lượng không còn là mục tiêu bền vững. Nếu chúng ta cứ tiếp tục sản xuất một lượng cà phê khổng lồ, giá sẽ chỉ luôn giữ ở mức thấp. Vì vậy, chúng tôi tự hỏi, ‘Làm sao để ngành này trở nên bền vững hơn?’ và sau đó chúng tôi đã tham vấn từ Châu Âu và các nhà mua cà phê để nghiên cứu và học hỏi.”
Bài Học Giá Trị: tính Thiết Yếu của Sự Bền Vững
Không chỉ tác động do giá cả giảm mạnh mà những tác động môi trường từ “bùng nổ làn sóng cà phê” ở Việt Nam cũng đã tạo động lực cho ngành cà phê phải xem xét đến tính bền vững.
“Việc lấn chiếm rừng, lấn chiếm diện tích trồng cà phê và các phương pháp tưới tiêu thâm canh đã dẫn đến xói mòn đất và tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng,” báo Revista Envio đưa tin. “Các con sông và cửa sông tự nhiên dần cạn kiệt, mực nước ngầm giảm sút. Vào đợt hạn hán xảy ra vào năm 1998, 200 hồ chứa nước đã khô cạn và nguồn nước ngầm cũng bị khai thác quá mức. Cùng lúc đó, ước tính có 90% gia đình ở Đắk Lắk không có đủ nước nên khi giá nước tăng lên 25%, các hộ nông dân nhỏ đã mất đi hơn 70.000 ha cà phê.”
Simexco Daklak, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của tỉnh Đắk Lắk, thành lập vào năm 1993, là một trong những công ty cà phê Việt Nam tiên phong triển khai các biện pháp tiên tiến hướng tới tính bền vững. Simexco thu mua cà phê nhân xanh trực tiếp từ nông dân với sản lượng xuất khẩu đạt từ 1,3 đến 2 triệu bao mỗi năm.

Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐTV công ty Simexco (giữa), đã có chuyến khảo sát vụ thu hoạch cà phê mùa thu 2024 cùng Trần Phi Hùng, Giám đốc Quản lý Chất lượng (trái) và Nguyễn Tiến Dũng (phải), Phó Tổng Giám đốc. Nguồn ảnh: Simexco
Từ năm 2009, Simexco đã ưu tiên tính bền vững trong sản xuất cà phê nhân xanh, triển khai chứng nhận 4C vào năm 2010, với quy mô 2.300 nông dân. Nỗ lực của họ vẫn tiếp diễn mạnh mẽ thông qua việc mở rộng sang chứng nhận Rainforest Alliance vào năm 2012, Fairtrade vào năm 2014, và triển khai hơn 30 dự án bền vững tính đến nay.
“Trước đây, chúng tôi chỉ được học cách kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận,” ông Huy giải thích. “Nhưng giờ đây chúng tôi hiểu được tính bền vững trong cà phê trên các khía cạnh môi trường, kinh tế và các yếu tố xã hội. Hiện tại, chúng tôi sở hữu mạng lưới liên kết vùng nguyên liệu với 40.000 nông dân trên diện tích 50.000 ha để cùng hợp tác xây dựng một cảnh quan bền vững, bảo vệ sức khỏe đất và chất lượng không khí bằng cách giảm sử dụng hóa chất, thực hiện bảo tồn nước, trồng cây bóng mát và đa dạng hóa cây trồng. Tới nay, nông dân đều cảm thấy tự hào và được tôn trọng, như một nguồn động lực lớn để cùng đồng hành với Simexco nhằm nâng cao chất lượng cà phê, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn, và nâng tầm giá trị cho ngành cà phê Việt Nam.”
Sự Trỗi Dậy của Cà Phê Robusta Chất lượng cao
Tiếp nối mối quan tâm về cải thiện chất lượng canh tác, Simexco đã đối mặt với thử thách tiếp theo là: hương vị. Vào năm 2016, ông Lê Đức Huy đã tham gia Coffee Quality Institute (Viện Chất Lượng Cà Phê) và trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên được chứng nhận là Q Robusta grader (chuyên gia đánh giá cảm quan cà phê Robusta) trong bối cảnh Ấn Độ và Indonesia đã vốn nổi tiếng với việc sản xuất cà phê Fine Robusta, song Việt Nam bấy giờ chỉ được biết đến với cà phê thương mại.
Cùng lúc đó, mối quan tâm đối với cà phê đặc sản trong nước bắt đầu gia tăng. Các cửa hàng rang xay và cà phê tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt đầu mọc lên, dần xuất hiện nhiều hơn các Q Arabica grader (chuyên gia đánh giá cảm quan cà phê Arabica). Tuy vậy, hầu như chưa có ai xem cà phê Robusta Việt Nam là một sản phẩm chất lượng cao, mà vẫn chỉ là một sản phẩm thương mại thông thường.
Lê Đức Huy đã mời Tiến sĩ Manuel Diaz, một cựu thành viên của CQI, chuyên gia về cà phê Robusta, đến Việt Nam. Vào thời điểm bấy giờ, ông là người đã khởi xướng chương trình Fine Robusta tại Uganda. Tiến sĩ Diaz đã đến Đắk Lắk và làm việc trực tiếp với Hiệp hội Cà Phê Buôn Ma Thuột và Simexco để mở khóa tập huấn dành cho các nông dân sản xuất tại địa phương về kỹ thuật thu hoạch và lên men quả chín nhằm cải thiện hương vị và mùi thơm của cà phê Robusta.
Simexco đã tổ chức sự kiện “Thử Nếm Cà Phê Robusta Đặc Sản Việt Nam” tại Expo Cà Phê Đặc Sản 2022 ở Boston, và nhận được những đánh giá rất tích cực, cùng với điểm số CQI đạt kỷ lục cao nhất thế giới dành cho Robusta, 87.83 điểm. “Nông dân Đắk Lắk cảm thấy rất tự hào vì công sức của họ đã được công nhận,” Mr Huy chia sẻ.
Không dừng lại ở những thành tựu đã đạt được, Simexco hiện nay tập trung vào việc cải thiện nghiệp vụ rang trong nước cũng như nâng cao kỹ năng của các barista. “Rang cà phê robusta khác với rang arabica,” Huy giải thích. “Robusta có cấu trúc rất đặc và dày. Người rang cần có kỹ năng tốt trong việc kiểm soát nhiệt độ để phát triển hương vị, không được rang quá đậm, đồng thời biết cách tiết chế độ đắng.”
Simexco đã tổ chức các buổi hội thảo về việc nâng cao hương vị đặc trưng của Fine Robusta với sự tham gia của nhiều chuyên gia rang trong ngành và tổ chức các cuộc thi rang cà phê Robusta đều đặn hàng năm. Họ cũng tiên phong trong việc hợp tác với các barista để cải thiện kỹ năng trình bày và khuyến khích sự sáng tạo trong nghệ thuật pha chế. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang góp phần làm giảm diện tích trồng cà phê Arabica, cà phê Robusta Đặc sản của Việt Nam đang và sẽ đóng vai trò trọng yếu trong viễn cảnh tương lai của phân khúc cà phê đặc sản.
Khâu Chế biến và Logistics đang Kiến tạo Sự Thống Trị của Cà Phê Hòa Tan
Việt Nam đã rút ra một bài học quý giá từ cuộc khủng hoảng cà phê vụ 2001/2002 – đó là tầm quan trọng của việc gia tăng giá trị ngay tại khâu canh tác, chế biến và logistics. Vào năm 2001, chỉ có 4% lượng cà phê được tiêu thụ nội địa, còn lại được xuất khẩu. Theo báo cáo từ Revista Envio, trong thời kỳ khủng hoảng, chỉ có một vài nhà máy chế biến sâu được đặt tại Việt Nam, và rằng toàn bộ lượng cà phê xuất khẩu đều chưa trải qua chế biến. Các nhà máy chế biến ít ỏi tại thời điểm đó chỉ phục vụ cho thị trường nội địa và hoạt động với công suất thấp hơn kỳ vọng.
Một lần nữa, Việt Nam đã học hỏi từ Châu Âu và các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực chế biến để tìm ra cách cải thiện nền kinh tế tuần hoàn. Chính phủ bắt đầu ban hành các chính sách ưu đãi thuế, cho thuê đất thuộc khu công nghiệp với giá thấp, trợ cấp nông nghiệp và các hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều sáng kiến đã được thông qua nhằm cải thiện logistics cảng biển và cơ sở hạ tầng, bao gồm việc nâng cấp cảng nước sâu để tăng khả năng xử lý hàng hóa và phát triển các nền tảng kỹ thuật số giúp tối ưu hóa thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan.
Trong buổi diễn thuyết tại Hội nghị Cà Phê Quốc tế Châu Á 2024 (AICC) tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Grégoire Meeus, quản lý điều hành mảng giao dịch cà phê robusta toàn cầu tại Công Louis Dreyfus, đã đưa ra nhận định rằng một phần thành công của Việt Nam đến từ những sáng kiến này và “Việt Nam là đơn vị xuất sắc nhất nếu xét đến mảng chế biến và logistics.” Brazil có thể là quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, nhưng vào năm 2024, tắc nghẽn tại các cảng của Brazil đã đóng băng khả năng xuất khẩu lên tới 2 triệu bao cà phê.
Đã có một thời kỳ mà những quốc gia Nam Mỹ nhỏ như Ecuador đã vươn lên dẫn đầu trong chế biến cà phê hòa tan, với phần lớn nguồn cung robusta đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào định hướng phát triển công nghiệp sinh thái, môi trường chính trị ổn định và chi phí lao động cạnh tranh, Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngoại quốc đến khởi công các cơ sở chế biến cà phê hòa tan hiện đại.
Trong một email gửi cho STiR, ông Đỗ Hà Phương (Jason), Phó Tổng Giám đốc Intimex Coffee, đã viết: “Việt Nam là nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất, chủ yếu với mục đích làm nguyên liệu sản xuất cà phê hòa tan. Việc đặt nhà máy chế biến sâu tại Việt Nam sẽ giúp kiểm soát khối lượng tồn kho và chất lượng, từ đó giảm chi phí logistics. Đồng thời, Việt Nam lại có vị trí địa lý lân cận các thị trường tiêu thụ tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines, và thị trường cà phê hòa tan nội địa của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng.”
Những cải tiến đổi mới trong quy trình chế biến cà phê hòa tan nhằm cải thiện chất lượng và hương vị, cũng thúc đẩy sự tăng trưởng nhu cầu. Ví dụ điển hình là công nghệ sấy đông (freeze-drying), đã đóng góp rất lớn trong việc cải thiện chất lượng và hương vị cà phê hòa tan bằng cách bảo toàn phần lớn cấu trúc nguyên thủy của hạt cà phê.
Nestlé đang vận hành hành 6 nhà máy tại Việt Nam và đã lũy kế đầu tư hàng trăm triệu đô la vào quốc gia này. Các công ty OEM (nhà sản xuất linh kiện theo yêu cầu) và một số công ty khác đã chọn Việt Nam làm vị trí chủ chốt cho sản xuất cà phê sấy đông, làm tăng thêm sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam. Một báo cáo từ Mordor Intelligence đã thống kê cà phê hòa tan là danh mục sản phẩm quan trọng nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp trên toàn thế giới hiện nay đang chọn Việt Nam làm nguồn cung ứng cà phê sấy đông chất lượng cao để phân phối số lượng lớn.
Việt Nam đã nhanh chóng và tự tin thích ứng với EUDR.
Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng chủ động trước Quy định sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã tổ chức cuộc họp với các đại diện chủ chốt trong ngành cà phê, bao gồm các đại diện từ các hiệp hội nông dân và các nhà vận động chính sách của Liên minh Châu Âu, nhằm hiểu rõ cách thức đáp ứng các yêu cầu mới.
“Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã hỏi chúng tôi, ‘Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này như thế nào?’ và khuyến khích chúng tôi không nên có thái độ đối kháng với thách thức mới mà nên xem đây là một cơ hội,” ông Huy chia sẻ. “Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu của ngành cà phê toàn cầu trong bối cảnh này. Nếu chúng ta hiểu rõ quy định và chuẩn bị nhanh chóng để đáp ứng, điều đó sẽ có lợi cho chuỗi cung ứng của chúng ta.”
Với tư duy “mọi thứ đều có thể”, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành cà phê trong việc đáp ứng quy định EUDR, sở hữu một chuỗi giá trị cà phê với mức độ số hóa và khả năng truy xuất nguồn gốc rất cao.
Không Ngần Ngại Đổi Mới
Phong thái sẵn sàng của ngành cà phê Việt Nam trong việc tìm kiếm lời khuyên từ các đối tác bên ngoài, đánh giá tình hình một cách chính xác, và từ đó thực hiện những điều chỉnh kịp thời đã góp phần tạo nên thành công. Việc nắm rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm và khả năng thích ứng nhanh chóng trước những xu thế mới đã đưa cà phê Việt Nam lên tầm cao mới.