Mang hồ tiêu Việt Nam đến thị trường Pháp
Là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2022 do Bộ Công Thương chủ trì, sự kiện thu hút sự tham dự của gần 20 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn đến từ Việt Nam và 30 nhà nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ gia vị của Pháp.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự góp mặt của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Pháp tại sự kiện, thể hiện mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp đối với loại gia vị chủ lực này của Việt Nam. Đại sứ cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để hai bên trực tiếp trao đổi và tìm hiểu nhu cầu của nhau, từ đó phát triển giao thương giữa các đối tác. Đại sứ khẳng định chính quyền các cấp của Pháp và Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các nhà sản xuất và công ty ở cả hai nước duy trì tốt dòng chảy thương mại cũng như hoạt động của các chuỗi cung ứng, huy động mọi nỗ lực để phục hồi sau đại dịch và chung sức hành động vì sự phát triển đồng đều, bền vững.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA, Pháp là một thị trường quan trọng ở Liên minh châu Âu (EU). Tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu, hiện Pháp đứng vị trí thứ 4 trong khu vực, sau Đức, Hà Lan và Anh, nhưng lại là thị trường tiềm năng. Thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sang Pháp chiếm 10% tổng thị phần xuất khẩu sang EU. Pháp còn được ví như “phễu lọc” vì “nếu các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam kết nối được với các nhà nhập khẩu và phân phối lớn của Pháp thì ngoài việc củng cố được thương hiệu, sản phẩm của họ còn có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng của EU”.
Để sản phẩm tiêu của Việt Nam có thể được bày bán trên các kệ siêu thị ở Pháp như mặt hàng gạo, bà Liên cho rằng các ban ngành ở Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, trong đó VPA đóng vai trò chủ đạo, đồng hành với các nhà xuất khẩu, người nông dân và nhà sản xuất. Ngoài ra, vai trò của các cơ quan đại điện tại địa bàn như Thương vụ hay Đại sứ quán cũng rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin và kết nối chặt chẽ với các đối tác Pháp.
Ông Vũ Anh Sơn, đại diện Thương vụ bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết đây là lần đầu tiên một hiệp hội của Việt Nam tìm hướng đi mới trong cách tiếp cận đối tác, kết nối giữa người mua hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu, hướng tới xây dựng thương hiệu bền vững. Các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam tham gia đoàn lần này đều rất mạnh và có tiềm lực xuất khẩu tốt. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và bán buôn lớn của Pháp cũng tham gia sự kiện này. Đây sẽ là thời điểm chín muồi để ngành hồ tiêu Việt Nam đầu tư phát triển thương hiệu tại Pháp và châu Âu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Arnaud Vincent, Giám đốc điều hành của Công ty Hạt tiêu và Gia vị Pháp, đánh giá cao việc VPA tổ chức cuộc trao đổi này với các nhà sản xuất để họ có cơ hội làm việc trực tiếp với các đối tác. Ông cho rằng hạt tiêu Việt Nam đã được biết đến từ lâu và chất lượng ngày càng được cải thiện. Trong khi đó, ông Grégoire Courme, đại diện của Aromatum, cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế do Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, các công ty Việt Nam ngày càng lớn mạnh và thị trường ngày càng có sức cạnh tranh mạnh mẽ. “Việc tổ chức sự kiện này thể hiện ý chí không ngừng nâng cao chất lượng của Chính phủ Việt Nam và quyết tâm của các doanh nghiệp tư nhân. Tôi đánh giá cao điều này”, ông Grégoire Courme nói.
Nhân dịp này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tham dự Hội chợ Thực phẩm Quốc tế Sial Paris 2022 từ ngày 15-19/10. Việc tham dự hội chợ là cơ hội tốt nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia cho ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tại thị trường EU nói riêng và trên thế giới nói chung, trong đó có ngành hàng hồ tiêu và gia vị. Tham dự hội chợ, VPA tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm của 8 doanh nghiệp chuyên về hồ tiêu và các sản phẩm gia vị.
Ông Thái Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Simexco Daklak, một công ty 100% vốn nhà nước có trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk, cho biết mỗi năm công ty xuất khẩu 5.000 tấn sản phẩm, trong đó thị trường Pháp chiếm 10-15%. Ông Tuấn cho biết Pháp là thị trường khó tính vì thường đòi hỏi cao. Tuy nhiên, do công ty làm tốt công tác quản lý từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu nên vẫn đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Ông Tuấn cho biết thêm đây là lần thứ 3 công ty Simexco Daklak tham gia hội chợ Sial và ông hy vọng qua hoạt động này sẽ giúp công ty tăng sản lượng vào thị trường Pháp nói riêng, châu Âu nói chung.
Cũng giống như cà phê và cao su, hồ tiêu là một trong những loại gia vị chính của nghệ thuật ẩm thực được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ thuộc địa. Loại cây công nghiệp này chỉ có điều kiện phát triển vượt bậc ở Việt Nam từ những năm 1980, nhờ chương trình cải cách kinh tế. Ngày nay, hồ tiêu là niềm tự hào của nông nghiệp Việt Nam, là động lực của nền kinh tế quốc dân. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới với năng suất hơn 1.200 kg/ha canh tác, chiếm gần 30% sản lượng thế giới và 50% xuất khẩu toàn cầu.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 37,61% năm 2020 lên 40,81% năm 2021. Pháp là một trong những chiếc nôi của ẩm thực và cũng là một trong những thị trường tiêu thụ hồ tiều hàng đầu thế giới. Sự kiện lần này sẽ góp phần mở ra cánh cửa lớn để hồ tiêu Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn nữa vào thị trường Pháp trong tương lai.
Nguồn: Mang hồ tiêu Việt Nam đến với thị trường Pháp (vca.org.vn) – Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (TTXVN)