Hướng dẫn thực hiện ghép cây cà phê
Tại sao một số nhà sản xuất lại cấy ghép cây cà phê? Quá trình này có thể phức tạp và thường tốn kém hơn so với việc trồng cây tiêu chuẩn.
Nhưng cấy ghép cây cà phê có thể mang lại những lợi ích như sự chống chịu với sâu bệnh. Hãy tìm hiểu thêm về cấy ghép là gì và các ưu điểm và nhược điểm của việc cấy ghép cây cà phê.
Gilberto Benitez giới thiệu cây cà phê ghép tại trang trại của ông tại El Salvador. Nguồn: Maren Barbee via Flickr,CC BY 2.0
GHÉP CÂY VÀ LÝ DO PHẢI GHÉP CÂY
Ghép cây đơn giản là việc ghép hai cây trồng lại với nhau vì nhiều mục đích.
Theo Ray Taggart, Quản lý trang trại cà phê Heavenly Hawaiian ở Kona, Hawaii, trong canh tác cà phê, việc ghép cây được thực hiện vì mục đích “tận dụng những đặc tính tốt nhất của hai giống cà phê và kết hợp chúng để lấy được tất cả lợi ích của cả hai trong một cây duy nhất”
Để thực hiện, người trồng sẽ gắn gốc ghép của cây này với cành của một cây khác. Trong đó, gốc ghép là phần thân dưới của cây bao gồm rễ và một đoạn thân gốc. Gốc ghép có chức năng làm chỗ neo đậu và chống đỡ phần thân trên của cây.
Cành ghép là thành phần chính của chồi cây khi cây đã phát triển đầy đủ, thường bao gồm thân chính và cành. Cành ghép sẽ quyết định đặc tính của cây ghép.
Hình ảnh cây cà phê ở Finca La Fany, El Salvador. Nguồn: Julio Guevara
Theo kinh nghiệm cá nhân của Ray, cây ghép sẽ thừa hưởng “đặc tính chịu hạn/sâu bệnh của gốc ghép và năng suất cùng hương vị phong phú của ngọn/cành ghép”. Thông thường, cành ghép sẽ được lấy từ cây họ Arabica vì hương vị êm dịu và độ axit tốt của chúng, và họ Liberica được ưa chuộng trong việc chọn làm phần gốc ghép nhờ tính tăng trưởng mạnh mẽ và chống chịu tốt. Mặc dù vậy, các việc chọn gốc và cành ghép không nhất thiết phải từ hai họ cây trên.
“Việc ghép cây có thể mang lại lợi thế cần thiết cho sản xuất và giúp ngăn ngừa mất mùa hoặc chết cây. Trong canh tác, cần phải tận dụng mọi lợi thế có được để có thể duy trì hoạt động kinh doanh, chưa kể đến duy trì lợi thế cạnh tranh”
Hình ảnh cây cà phê ở Finca La Fany, El Salvador. Nguồn: Julio Guevara
NHỮNG THUẬN LỢI MÀ GHÉP CÂY MANG LẠI
Ghép cây nhằm mục đích chính là tạo ra một cây trồng mới mang những đặc tính tốt nhất từ các cây gốc. Ví dụ, một cây ghép có thể cho trái thơm ngon và năng suất tốt từ một loại giống, đồng thời mang khả năng chịu bệnh từ loại giống ghép còn lại. Ghép cây cũng có lợi ích trong việc tạo chỗ neo đậu và chống đỡ cho cây dễ gãy hoặc dễ tổn thương.
Theo Ray, “Riêng đối với cà phê, mục đích của việc ghép cây chủ yếu nhắm đến tốc độ tăng trưởng mạnh của bộ rễ. Bộ rễ của họ Liberica có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều so với Arabica và thậm chí có thể kiềm hãm tác hại của tuyến trùng trong đất khi chúng ăn mòn bộ rễ vì rễ Liberica sinh trưởng nhanh đến nỗi sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự ăn mòn này.”
Có thể nói, ghép cây có thể giảm nguy cơ mất mùa đối với cà phê dưới tác động của sâu hại, từ đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu.
Hình ảnh cây cà phê chịu ảnh hưởng của tuyến trùng thắt nút rễ cà phê. Nguồn: Scot Nelson
Cesar Echeverry, quản lý nông trại tại Supracafé Farms cho rằng “ghép cây nhằm mục đích chính là nhân giống và phát triển những giống có giá trị thương mại cao bất kể điều kiện không thuận lợi.”
Tóm lại, ghép cây giúp đối phó với mọi điều kiện canh tác không thuận lợi để phát triển đa dạng nhiều loại giống tốt bất kể nơi trồng.
Ray nói thêm: “Giống Liberica cũng có khả năng chịu hạn và nhiệt tốt hơn, giúp cây chống chọi với biến đổi khí hậu qua nhiều vụ trồng. Nhìn chung, cây ghép có những ưu điểm như khoẻ mạnh hơn, cứng cáp hơn và chống chịu tốt hơn đối với mọi điều kiện tự nhiên.”
NHỮNG BẤT LỢI CỦA CÂY GHÉP
Điểm bất lợi chính của việc ghép cây là tiêu tốn nhiều thời gian và nhân lực hơn bình thường, đồng thời đòi hỏi nhiều vốn đầu tư hơn từ ban đầu. Chính vì thế không phải tất cả nông dân trồng cà phê đều có đủ điều kiện để thực hiện phương pháp này.
“Thành thạo quá trình ghép cây là một việc khó và đòi hỏi một khoảng thời gian khá lâu, nên để có thể thành công, người thực hiện phải là một người kỹ tính và có chuyên môn cao. Trước đó phải chuẩn bị trước số lượng cây vượt chỉ tiêu ban đầu ít nhất 20%, thậm chí 40-50% để đảm bảo kết quả.
“Ngoài ra cần có 2 cây gốc để tạo ra một cây ghép, do vậy nếu hộ nông dân muốn ghép ra 1000 cây, tính cả những hạt lỗi không nảy mầm, hoặc những cây thể trạng yếu, không phát triển bình thường và bị loại bỏ, thì phải trồng tổng cộng khoảng 3000 cây giống làm cây gốc.”
Có thể nói, ghép cây sẽ đem lại hiệu quả chi phí về lâu dài. Theo Ray, “Tuy sẽ phải tốn khoản chi phí ban đầu nhưng xét về tổng thể thì ghép cây vẫn là một phương pháp giúp tiết kiệm cho phí vì giúp tăng sản lượng đồng thời tăng khả năng chống chịu cho cây khỏi các ảnh hưởng từ môi trường như hạn hán, áp lực về nhiệt độ cũng như khỏi sâu hại gây bệnh trong đất.”
Hình ảnh cây cà phê tại Finca La Fany, El Salvador. Nguồn: Julio Guevara
CHI TIẾT VỀ CÁCH THỨC GHÉP CÂY CÀ PHÊ
Việc ghép cây đòi hỏi sự đầu tư của nông dân vào khâu hướng dẫn và thực hành vì khả năng thất bại sẽ rất cao nếu không được thực hiện một cách chính xác
Việc ghép cho dù có xác suất thành công có thể thất bại vì nhiều lý do, bao gồm sự không tương thích giữa gốc ghép và cành ghép, thực hiện sai thời điểm, gốc ghép hoặc/và cành ghép không khỏe mạnh. Cây ghép cũng có thể dễ nhiễm sâu bệnh nếu không được ghép đúng cách.
Cesar nói: “Cần phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm vì đây là những nhiệm vụ đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối.”
Cây cà phê non ở Finca La Fany, El Salvador. Nguồn: Julio Guevara
Bước đầu của quy trình ghép cây là cho cà phê nảy mầm trong chậu ươm. Theo Ray, tuỳ thuộc vào loại hạt giống và cách cây con phát triển mà chúng ta phải lên kế hoạch kỹ càng cho quá trình nảy mầm để các cây lớn lên đến cùng một kích thước trước khi đem đi ghép. Cụ thể như, cây giống Liberica nên được trồng trước Arabica vài tháng. Sau đó chờ hạt nảy mầm và theo dõi trong khoảng 50 ngày.
Có thể bắt đầu ghép khi giống đã nảy mầm lên độ cao vài inch. Theo kinh nghiệm của Ray, ghép cây khi chúng còn non sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, song, cũng không nên bắt đầu quá sớm. Tiếp đó là chọn bộ phận ghép mà có cùng độ dày với thân cây giữa.
Người nông dân sử dụng thiết bị đã được khử trùng để tách phần ngọn của rễ và gốc ghép ra khỏi cành ghép. Sau đó, họ dùng kẹp ghép hoặc băng ghép có gốc sáp để nối hai mối cắt lại với nhau và phải đảm bảo rằng chúng thẳng hàng. Sử dụng kẹp hoặc màng bọc để giữ chúng cố định khi đan hai đầu lại với nhau thành một cây.
Quan trọng là bước tiếp theo phải giữ cho những cây ghép non ở điều kiện thích hợp. Cesar nói: “Nhiệt độ và độ ẩm của cành ghép phải được kiểm soát để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp ghép. [Người sản xuất phải nhận thức được] quá trình hydrat hóa, đánh giá và theo dõi khả năng sống sót cũng như sức khỏe của cây ghép.”
Ray nói: “Sau khi vết ghép lành lại, ở đa số cây sẽ gần như không thể thấy được vết ghép. Nếu 100 năm sau thực hiện kiểm tra về gen di truyền, rễ cây đã ghép khi này sẽ là 100% Liberica và phần ngọn là 100% Arabica.”
Cây cà phê đang được ghép. Nguồn: Maren Barbee via Flickr,CC BY 2.0
Việc ghép cây đòi hỏi kiến thức chuyên môn và đầu tư vào lao động và nguồn lực, nhưng nếu lên kế hoạch thực hiện một cách khoa học, đây có thể là một công cụ hữu ích cho nhà sản xuất cà phê.
Cây ghép thành công có thể mang lại khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn và cho phép việc trồng các giống phổ biến trong điều kiện không lý tưởng. Những yếu tố này có thể giúp giảm chi phí thuốc trừ sâu và phân bón, đồng thời có thể tạo ra cây trồng với chất lượng tốt hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn.
Trích từ bài phỏng vấn với Cesar Echeverry (dịch từ Tiếng Tây Ban Nha).
Lưu ý: Trước khi thực hiện theo hướng dẫn từ bài viết này, chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia kỹ thuật ngay tại địa phương, vì sự khác biệt về khí hậu, loại đất, giống, phương pháp chế biến, v.v. có thể ảnh hưởng đến các phương pháp thực hành tốt nhất áp dụng cho sản xuất và chế biến.
Nguồn bài viết:
Miguel Angel Hernandez. 23/09/2019.
https://perfectdailygrind.com/2019/09/a-guide-to-grafting-coffee-plants/